Màn tra tấn thể lực tại Grand Prix Qatar

“Đây là chặng đua khó nhất trong suốt sự nghiệp với mọi tay đua F1, không có ai là ngoại lệ. Tôi không tin có người nói là không”, thành viên Ferrari Charles Leclerc nói sau cuộc đua ngày 8/10.

Theo anh, thách thức cho các tay đua không đơn thuần là sức nóng như điên như dại trên đường đua sa mạc, mà còn vì có quá nhiều yếu tố khác. “Chúng tôi phải chạy qua rất nhiều góc cua tốc độ cao. Và quan trọng nhất, việc phải có ít nhất ba lần thay lốp khiến cuộc đua nặng về tốc độ hơn bình thường. Vì vậy, chúng tôi phải chịu nhiều áp lực hơn ở những góc cua tốc độ cao, điều thường không xảy ra ở các chặng khác. Mọi thứ dường như đều được đẩy đến mức giới hạn”, Leclerc giải thích thêm. Và để so sánh, anh cho rằng Grand Prix khó khăn gấp đôi chặng đua ở Singapore.

Hai tuần trước, Max Verstappen, Oscar Piastri và Lando Norris tỏ ra thoải mái khi đùa giỡn trong phòng chờ trước lễ trao giải tại Grand Prix Nhật Bản. Còn ở Qatar tối 8/10 vừa qua, vẫn là bộ ba này về đầu, nhưng họ ngồi mệt mỏi và im lặng. Norris ngồi cầm chiếc khăn lạnh trên đùi. Verstappen, bất chấp cơn hưng phấn với chức vô địch thế giới thứ ba liên tiếp, không tỏ vẻ hân hoan mà cúi mình ở một góc phòng và thờ ơ chờ đợi. Piastri nằm ngửa trên sàn và thở dốc.

Verstappen, Piastri và Norris kiệt sức sau Qatar Grand Prix

 
 

Verstappen, Piastri và Norris kiệt sức sau Grand Prix Qatar.

Ở tầng dưới, khi trả lời báo chí ngay sau cuộc đua, sự mỏi mệt của các tay đua còn lại cũng hiện rõ trên khuôn mặt. Hầu hết đều ướt đẫm mồ hôi và quàng khăn quanh cổ. Nico Hulkenberg rời đi sau hai câu hỏi vì quá mệt. Tân binh Liam Lawson thậm chí phải một chiếc áo tank rộng cổ khi trả lời phỏng vấn. Một số khác đến muộn vài phút so với lịch trình, vì phải tắm nước đá để làm mát cơ thể.

Sức nóng khiến mọi thứ ở Losail trở nên khó khăn hơn. Singapore thường được coi là cuộc đua khó khăn nhất về mặt thể chất, do đường phố khắc nghiệt, chặng đua kéo dài xấp xỉ 2 giờ cũng như nhiệt độ và độ ẩm cao do đường đua ở gần xích đạo. Nhưng ở Grand Prix Qatar, mọi thứ đã nâng lên một tầm cao mới, dù đây là cuộc đua ban đêm, xuất phát lúc 20h, theo giờ Doha.

Grand Prix Qatar 2023 được đẩy lên sớm một tháng, thay vì cuối tháng 11 như năm đầu tổ chức tại Losail – năm 2021. Vì thế, sự khắc nghiệt mà các tay đua F1 phải đối mặt đã được dự báo. Vào đầu tháng 10 ở Qatar, nhiệt độ cao nhất ban ngày lên tới 40 độ C. Khi mặt trời lặn lúc 17h15, nhiệt độ giảm còn 35 độ C, rồi giảm dần tiếp sau đó. Nhưng khi cuộc đua diễn ra lúc 20h, nhiệt độ không khí duy trì ở mức ổn định 32-33 độ C và độ ẩm 70% với hơi nóng bốc lên trong suốt thời gian thi đấu. Kể từ đầu mùa giải, các tay đua F1 chỉ hai lần thi đấu dưới nền nhiệt độ cao như vậy, ở Hungary và Italy.

Nhưng thực tế còn khắc nghiệt ngoài sức tưởng tượng. Trái với ngày thứ Bảy và ngày Chủ nhật, thời tiết tại Losail vào cuộc đua tối Chủ nhật lại rất ít gió. Thiết kế của đường đua gồm phần lớn là các góc cua tốc độ từ trung bình tới cao vốn đã thử thách sức chịu đựng và sự tập trung của các tay đua dưới nền nhiệt độ cao. Nhưng thử thách còn được đẩy lên giới hạn cao hơn khi FIA và nhà cung cấp lốp Pirelli yêu cầu mỗi bộ lốp chỉ được chạy tối đa 18 vòng để đảm bảo an toàn, khiến các xe được phép thoải mái tăng tốc mà không cần giữ lốp như dự kiến ban đầu.

Các tay đua đã phàn nàn bằng những cụm từ như “mọi thứ vượt quá giới hạn có thể chấp nhận được với con người”, trong một cuộc đua “nguy hiểm” khiến các tay đua “ngất trong xe”, “nôn mửa trong mũ bảo hiểm”. Thậm chí, có tay đua phải xin bỏ cuộc sớm vì quá mệt. Bên trong buồng lái chật hẹp với bộ động cơ ở ngay phía sau và luồng khí nóng thổi về phía họ, các tay đua không thể giữ bình tĩnh. Valtteri Bottas giải thích: “Nhiệt độ trong buồng lái bắt đầu gần như quá cao. Chúng tôi như bị tra tấn trên xe. Nóng hơn thế này sẽ không an toàn”.

Dù mỗi tay đua đều được cung cấp nước và điện giải thông qua ống dẫn từ bình nước sau mũ bảo hiểm, nhiệt độ cao khiến nước này như biến thành trà nóng 60 độ C, khiến tình trạng mất nước càng trở thành một vấn đề nghiêm trọng. Leclerc nói: “Đó không chỉ là sự khó khăn về thể chất, mà là tình trạng mất nước. Tầm nhìn của bạn kém đi rất nhiều, nhịp tim của bạn tăng vọt và rất khó để kiểm soát tất cả điều này. Điều đó thực sự rất khó khăn”.

Leclerc ướt đẫm mồ hôi và mệt mỏi sau khi kết thúc phần thi tại Losail tối 8/10. Ảnh: X / Charles Leclerc

Leclerc ướt đẫm mồ hôi và mệt mỏi sau khi kết thúc phần thi tại Losail tối 8/10. Ảnh: X / Charles Leclerc

Carlos Sainz thì không bất ngờ với những khó khăn tại Losail. Nhưng anh chỉ trích lựa chọn về thời gian tổ chức cuộc đua. Tay đua của Ferrari nói: “Tôi nghĩ chặng đua này diễn ra vào thời điểm hơi cực đoan và mong nó sẽ không lặp lại trong tương lai. Rõ ràng là ban tổ chức đang lựa chọn những ngày tốt nhất có thể, nhưng các tay đua phải chịu đựng thời tiết nắng nóng, và đây không hề là một cuộc đua thoải mái chút nào.”

George Russell dùng từ “tàn khốc” và “màn tra tấn thể lực khắc nghiệt nhất từ đầu sự nghiệp” để mô tả về cuộc đua. “Tôi cảm thấy gần như ngất đi, vì quá mệt mỏi. Thật là điên rồ khi trời nóng đến thế, cứ như bạn đang trong cái lò nướng. Cảm giác đó cũng giống khi tôi tập luyện trong phòng tắm hơi và bạn đẩy cơ thể mình đến giới hạn, đến mức quá nóng và bạn nói, tôi phải ra ngoài ngay. Cảm giác khó chịu thực sự bắt đầu từ khoảng vòng 12”, tay đua người Anh của Mercedes kể thêm.

Logan Sargeant thì bỏ cuộc sau 40 vòng, vì quá mệt mỏi chứ không phải lý do kỹ thuật. Ngay sau đó, tay đua của Williams được đưa đến trung tâm y tế để kiểm tra sức khỏe. Đội đua Anh quốc thông báo ít giờ sau chặng đua về tình hình sức khỏe của Sargeant: “Sau khi Logan bỏ cuộc, anh ấy đã được đội ngũ y tế kiểm tra, và đánh giá tay đua đã bị mất nước nghiêm trọng”. Các tay đua khác cũng gặp khó khăn. Tay đua còn lại của Williams là Alexander Albon cũng phải đến trung tâm y tế để chăm sóc do bị sốc nhiệt.

Logan Sargeant chật vật rời xe sau khi bỏ cuộc từ vòng 40 Grand Prix Qatar

 
 

Logan Sargeant chật vật rời xe sau khi bỏ cuộc từ vòng 40 Grand Prix Qatar.

Lance Stroll quả quyết anh mệt đến mức mờ mắt ở cuối chặng. “Thật nực cười khi nói về những thứ như giới hạn đường đua. Với thời tiết thế này, mọi thứ trở nên mờ ảo trước mắt tôi. Ở 25-30 vòng cuối cùng, khi chạy qua các góc cua tốc độ cao, tôi chỉ nhìn thấy lờ mờ. Huyết áp giảm, tôi như muốn ngất xỉu tại các góc cua tốc độ cao, nơi có lực ly tâm ép vào tay đua rất lớn. Lúc đó, bạn chỉ có thể điều khiển xe dựa theo cảm nhận và kinh nghiệm thôi”.

Esteban Ocon thậm chí còn nôn khan khi đang đua. Tay đua người Pháp cho biết anh bắt đầu mệt vào khoảng vòng 15. “Sau đó, tôi cảm thấy buồn nôn trong khoảng hai vòng” anh tiết lộ. “Sau đó, tôi nghĩ ‘Trời ơi, đây sẽ là một cuộc đua dài dằng dặc'”.

Một số tay đua cố gắng giữ bình tĩnh và tìm cách giải nhiệt. Russell và Yuki Tsunoda đều mở tấm kính che mặt của họ tại một số điểm để gió mát lọt vào trong mũ bảo hiểm, nhưng điều đó cũng gặp khó, như khi Tsunoda bị cát bay vào mắt. Ocon và Russell còn phải giơ tay khi chạy ở đoạn đường thẳng dài để cố gắng hứng gió mát.

Ocon nói: “Tôi càng thở để cố gắng hạ mọi thứ xuống thấp hơn thì nhiệt lượng tỏa vào bên trong mũ bảo hiểm càng nhiều. Thật sự cảm giác ở đó cứ như là địa ngục”. Ocon vốn cao to, vào diện khỏe nhất trong các tay đua F1, nhưng vẫn choảng với mức độ khốc liệt tại Losail. “Tôi thường có thể thực hiện tốt quãng đường tương đương 2 chặng đua, ngay cả tại Singapore. Về mặt thể chất, như cơ bắp và tim mạch, tôi luôn ổn. Nhưng không phải ở Qatar với mức nhiệt 80 độ C trong buồng lái. Tôi không ngờ cuộc đua hôm nay lại khó khăn đến vậy”.

Piastri thì cố gắng nhìn nhận vấn đề theo hướng tích cực, vì cuộc đua may mắn là không tệ hơn khi thời tiết Chủ nhật mát hơn bốn hoặc năm độ C so với trước đó hai, ba ngày. Piastri nói: “Chúng tôi cần một số cuộc thảo luận về nhiều thứ vào cuối tuần này, nhưng đây không phải là một tình huống tốt”. Nhiều tay đua khác thì nhẹ nhõm khi cuộc đua năm sau tại Qatar sẽ diễn ra muộn hơn năm nay gần hai tháng, vào ngày 1/12, khi thời tiết, về lý thuyết, sẽ mát hơn.

“Tôi biết chặng này sẽ được tổ chức muộn hơn trong mùa giải năm tới, muộn hơn vài tháng sẽ mát mẻ hơn rất nhiều. Nhưng chúng ta phải nói về thực trạng hôm nay”, Leclerc phàn nàn.

Minh Phương



Trong cuộc đua Grand Prix Qatar đầy khắc nghiệt, các tay đua Formula 1 đã phải đối mặt với nhiều thách thức về mặt thể chất. Đường đua ở Losail không chỉ có sức nóng khắc nghiệt từ mặt trời mà còn do yếu tố khác như số lần thay lốp và các góc cua tốc độ cao. Các tay đua đã phải chịu áp lực lớn và mệt mỏi tột độ. Nhiệt độ trong buồng lái cũng rất cao, khiến nước cung cấp cho tay đua trở nên nóng và mất nước càng trở thành một vấn đề nghiêm trọng. Các tay đua đã phàn nàn về thời tiết nóng, sự mệt mỏi và áp lực khiến họ gặp khó khăn trong việc kiểm soát xe và tập trung vào cuộc đua. Nhiều tay đua đã phải bỏ cuộc sớm vì mệt mỏi và mất nước. Tổ chức cuộc đua trong thời gian nhiệt đới như vậy đã được chỉ trích vì tạo ra một môi trường khắc nghiệt và mệt mỏi cho các tay đua.

Source link

2023-10-10 17:10:44

#Màn #tra #tấn #thể #lực #tại #Grand #Prix #Qatar

Xem thêm:  Kane trên đường phá siêu kỷ lục của Messi
+100k
+50k
+120k
+1M
+75k
$